Bằng ý chí và nghị lực vượt khó, ông Đỗ Văn Thành (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) đã tạo dựng cho mình một cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền bên sông Bàn Thạch, được nhiều ngư dân ở các tỉnh, thành miền Trung tìm đến đặt hàng…
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống đóng tàu nên ngay từ nhỏ ông Thành có ước mơ nối nghiệp cha để giúp ngư dân có con tàu rẽ sóng vươn khơi. Năm lên 10 tuổi, ông Thành theo cha học nghề, chỉ sau vài năm cầm búa và đục, ông đã trở thành một người thợ. Với khát vọng được đóng những con tàu lớn, ông Thành qua Hội An thử sức trong môi trường làm việc tốt hơn.
Cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền của ông Đỗ Văn Thành. Ảnh: THÀNH LINH
Năm 2003, ông mạnh dạn đầu tư mở cơ sở đóng tàu ở vùng biển Cẩm An. Địa điểm này sau bị giải tỏa, vì vậy ông Thành quyết định đầu tư, cải tạo vùng sình lầy ở thôn Vĩnh Nam xã Duy Vinh để gầy dựng cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền. Từ chỗ chỉ đóng những chiếc tàu nhỏ khoảng vài chục mã lực, cơ sở của ông dần chuyển sang đóng các con tàu với công suất lớn, đáp ứng xu hướng phát triển nghề khai thác hải sản của ngư dân miền Trung.
Trong 5 năm trở lại đây, khi Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân đầu tư cải hoán, đóng mới tàu thuyền, cơ sở của ông Thành liên tục nhận nhiều đơn đặt hàng. Riêng năm 2015, ông Thành đã bàn giao 7 chiếc tàu (mỗi chiếc có công suất 1.000CV) cho ngư dân ở các huyện Núi Thành, Thăng Bình và huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) với tổng giá trị hơn 35 tỷ đồng.
Theo ông Thành, bí quyết để đóng con tàu đảm bảo chất lượng là trước tiên phải lựa chọn nguồn gỗ tốt, sau đó mới tính đến các công đoạn khác. Ông Thành chia sẻ: “Thời gian gần đây, tình hình Biển Đông liên tiếp xảy ra nhiều sự cố nên vấn đề ngư dân quan tâm nhất là làm sao cho thân tàu rắn chắc, đủ sức vươn khơi xa, bám ngư trường.
Từ đó, tôi nghiên cứu, linh hoạt thay đổi, cải tiến một số thiết kế để phù hợp. Tuy là tàu vỏ gỗ nhưng nhờ thân tàu đóng rộng, thớ gỗ dày so với trước nên an toàn hơn trong những tình huống va chạm và chịu được sóng lớn”.
Hiện tại, cơ sở đóng tàu của ông Thành giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Còn riêng ông thì mỗi năm thu nhập 5 – 7 tỷ đồng.
Ông Thành bộc bạch: “Suốt mấy chục năm gắn bó với nghề, điều làm tôi vui nhất là sau chuyến biển đầu tiên, ngư dân gọi điện thoại thông tin tàu đánh bắt đạt hiệu quả. Rồi mỗi khi thấy con tàu mình đóng vươn ra biển lớn, tôi sung sướng giống như sinh được đứa con mà nó thành tài vậy”.
Theo báo Quảng Nam – http://infonet.vn/