Ghe tràm bên bờ Vàm Cỏ Tây

Những ngày này, cả vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn đã bắt đầu chìm vào mùa nước nổi. Suốt dọc chiều dài nhiều cây số ven bờ Vàm Cỏ Tây, dòng sông lớn nhất chảy dọc vùng Đồng Tháp Mười là những vựa buôn bán cừ tràm tất bật, tạo thành những chợ tràm nho nhỏ khi những ghe đến, ghe đi nhộn nhịp cả một vùng sông nước.

 
 
Ghe buôn tràm trên sông Vàm Cỏ Tây
 
Rừng trong nước nổi
 
Với những ai thông thuộc vùng đất Đồng Tháp Mười, tràm là loài cây thân gỗ không hề xa lạ, thậm chí nó còn được coi là cây trồng chủ lực của hàng trăm hộ dân nơi đây. Có rất nhiều những cánh rừng tràm rộng hàng chục cây số, nằm ở những vùng biên giới xa xôi ngập giữa mênh mông nước mà nếu lần đầu tiên bắt gặp, nhiều người sẽ cảm thấy kỳ lạ.
 
Bởi, rừng ở trên núi cao, trên đồi đất thì nhiều, chứ rừng cây thân gỗ cao ngút ngàn mà lại chìm trong nước thì không phải nơi nào cũng có. Có lẽ, tràm là loài cây hiếm hoi sống trong nước nhưng lại có chất lượng gỗ tốt, không bị rỗng thân như nhiều loài cây gỗ khác, cũng thường xuyên sống trong môi trường nước. Mặc dù vậy, cây tràm không chỉ độc đáo mà còn rất nhiều công dụng, là một sinh kế vững chắc từ nhiều năm qua.
 
Anh Phạm Văn An, 41 tuổi, chủ một ruộng tràm rộng hơn bảy héc-ta ở xã Bình Phong Thạnh (huyện Mộc Hóa, Long An) cho biết, bắt đầu trồng tràm khoảng hơn chục năm nay. “Hầu hết tràm ở đây là giống tràm Úc (nhập từ Australia về) với đặc trưng là mùa mưa sống tốt trong nước ngập, mùa khô sinh trưởng trong phèn mặn, hai đặc điểm khắc nghiệt của vùng đất này mà không nhiều cây trồng có thể thích ứng được.
 
Ngoài việc thích hợp với thổ nhưỡng, tràm Úc còn có ưu điểm là lá thì để làm nguyên liệu, hương liệu còn thân thì làm gỗ mà thời gian chặt bán cũng ngắn hơn, có thể từ năm thứ 3, thứ 4 là bắt đầu thu hoạch được. Như nhà tôi, chia tràm làm 3 khu, trồng cách nhau một năm nên hầu như năm nào cũng thu hoạch tràm, vừa có thu nhập, lại vừa không lo bị ế ẩm”- anh An kể thêm.
 
Cũng theo người đàn ông có nước da rám nắng này, hầu hết người dân ở đây đều trồng tràm Úc, nhất là những vùng đất quá trũng, hoang hóa.
 
“Mỗi ha tràm khi thu hoạch hiện nay cũng cho lợi nhuận khoảng bốn năm mươi triệu đồng, trong đó ba phần là tiền bán gỗ tràm. Cụ thể, hầu hết người dân đều chặt tràm khi mùa nước nổi về vì dễ dàng vận chuyển. Sau khi chặt xong, những nhánh cây non thẳng sẽ được trích ra để trồng tiếp, xen kẽ vào gốc cây cũ. Ngoài thân thì lá tràm được bán cho nhà máy chiết xuất hương liệu. Riêng gốc tràm chìm trong nước, phải đến mùa khô mới thu hoạch, thường bán cho những xưởng mộc để họ làm đồ thủ công mỹ nghệ. Gốc tràm hiện nay cũng có giá cao nhưng vì thu hoạch khó khăn nên không mang lại nguồn thu nhiều”- anh An kể tiếp.
 
Trong những ngày rong ruổi vùng biên giới Đồng Tháp Mười này, khi mùa nước nổi tràn về, nhấn chìm mọi thứ trong nước, những rừng tràm như một mảng màu xanh diễm lệ hiện lên trên nền nước phù sa ngầu đục.
 
Những rừng tràm xanh mọc ngút ngàn đan dày vào nhau, như những tấm thảm không chỉ tô điểm cho vùng đất này, mà còn mang đến sinh kế. Dưới những cánh rừng ấy, những cây tràm khẳng khiu bắt đầu được thu hoạch và mang đi cùng những chuyến ghe xuôi ngược nhộn nhịp cả vùng sông nước.
 
“Ở đây, tràm được trồng nhiều, lại không có đường sá nên vận chuyển rất khó khăn. Ngoài ghe thuyền, rất khó để vận chuyển đường bộ vì cồng kềnh, nặng nề và khó khăn. Thế nên, khi mùa nước về, hàng trăm ghe tràm xuôi ngược vùng sông nước như biến nơi này thành một thế giới khác. Thậm chí, nhiều ruộng tràm còn thu hoạch trước, xếp tràm lên ghe thuyền chờ sẵn, khi nước tràn bờ là cho ghe máy chạy tới chở đi bán ở những vựa tràm bên ngoài sông Vàm Cỏ Tây luôn”, một người dân trồng tràm khác cho biết thêm.
 
Vựa tràm trên sông
 
Nếu những cánh rừng tràm ngập trong nước nổi là vẻ đẹp thiên nhiên, đồng đất của tạo hóa ban tặng thì những vựa tràm tất nập ven bờ sông Vàm Cỏ Tây là vẻ đẹp của con người, của nhịp sống rộn rã khi nước tràn bờ do những con người nhỏ bé, lam lũ này tạo lên.
 
Nước nổi có khi cuốn trôi, nhấn chìm tất thảy những gì của con người nơi đây nhưng cũng chính nước nổi đã mang đến vô vàn sinh kế, tạo ra những nhịp sống mà không có ở bất cứ nơi nào khác, như những vựa tràm ven bờ sông nay. Suốt dọc từ khu chợ Tuyên Nhơn (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, Long An) kéo dài qua các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa… đều là những vựa tràm.
 
 
 
Một điểm tập kết tràm
 
Những vựa tràm nằm ở cả hai bên bờ sông nhưng nhiều nhất là phía bên trái, nơi giáp ranh với tuyến quốc lộ 62. Những vựa tràm này, sau khi thu mua của nông dân, họ có thể bán lại tràm cho người dân khác, nhà máy trong vùng có nhu cầu.
 
Tràm bán ở gần thì có thể vận chuyển bằng đường bộ, theo quốc lộ. Riêng những khách hàng ở xa, nhất là vùng Thành phố Hồ Chí Minh, tràm hầu hết được vận chuyển tiếp bằng đường thủy vì chi phí ít, lại số lượng nhiều.
 
Bà Nguyễn Thị Bé, chủ một vựa tràm ở ngay gần ngã ba Tân Thạnh cười bảo, bây giờ đang là mùa tràm, vựa của tôi có khi tới đêm vẫn còn vận chuyển hàng. “Sau khi được mang về đây, tràm lại được sơ chế và đem lên thành phố cho khách. Thường khách ở đây cũng là các vựa buôn tràm ở trên thành phố thôi.
 
Bây giờ, ngoài công dụng làm xây dựng đóng cọc, vật liệu làm nhà cửa thì tràm còn được sử dụng để làm gỗ nguyên liệu. Thậm chí nếu là tràm già, tuổi đời từ 7-10 năm, đường kính trên 30cm thì làm nguyên liệu gỗ rất tốt. Gỗ tràm tuy không đẹp nhưng bền bỉ, chịu mưa nắng và rẻ hơn các loại gỗ rừng rất nhiều”, bà Bé kể.
 
Mặc dù đã chứng kiến nhiều cảnh mua bán sông nước nhưng nhìn những ghe tràm, tôi càng thêm mến phục những con người nơi đây.
 
Dù là bó bông sen, bông súng hay mớ cá linh, giỏ ốc lác cho tới những ghe tràm, ghe lúa trị giá tới vài chục triệu đồng cuộc mua bán này cũng chỉ diễn ra nhanh chóng, giản đơn và tràn đầy tiếng cười.
 
“Ở đây ai cũng vậy, bán buôn cái gì cũng thế, chẳng bao giờ ngã giá, mặc cả cái gì. Bán sao nói vậy, mua sao thì mua để lần sau còn gặp nữa chứ. Như vựa này, cũng là người quen ở trong bưng cùng ấp cả thôi. Vợ chồng ông ấy làm vựa cũng khổ lắm, vì buôn bán cừ đưa lên Sài Gòn, Bình Dương khó khăn hơn dưới này nhiều”, ông Trần Văn Bánh, chủ một ghe tràm vừa ghé vựa cho biết.
 
ĐOÀN XÁ – GiaoDucThoiDai.vn

 

Hotline Facebook Zalo youtube